Hàng mây tre đan của Việt Nam nằm rải rác ở khắp toàn quốc, chiếm khoảng 24% tổng số làng nghề. Trong đó khu vực phía Bắc và miền Trung tập trung nhiều về các sản phẩm mây tre lá và cói, còn khu vực Tây Nam Bộ tập trung nhiều các sản phẩm về bèo tây, lá buông. Ngành hàng này không chỉ góp phần vào giá trị xuất khẩu mà còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn và người dân tộc thiểu số.
Đến nay, các sản phẩm mây tre đan Việt Nam đã được xuất khẩu đến 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình trên 200 triệu USD/năm, chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch cả nước. Trong đó, mã số hàng hóa HS 460219 (tre, liễu gai và các mặt hàng khác được làm trực tiếp từ thực vật), HS 940389 (đồ nội thất bằng trúc, mây) chiếm nhiều nhất trong kim ngạch xuất khẩu này.
Tuy nhiên, theo thống kê của Trademap (hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về tình hình thương mại của các nước), thị phần mây tre đan Việt Nam trên thị trường thế giới đạt khoảng 3,73%. Trong đó, thị trường chủ đạo nhập khẩu mây tre lá của Việt Nam là Mỹ chiếm đến 20%, Nhật Bản chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu.
Song cơ hội phát triển thị trường mới cho nhóm hàng mây tre đan Việt Nam trong thời gian tới là rất khả quan. Bởi một số thị trường mới nổi những năm gần đây như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Úc… đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các mặt hàng mây tre đan từ Việt Nam. Đặc biệt, là Tây Ban Nha nhập khẩu các mặt hàng mây tre đan của Việt Nam tăng bình quân 13,2%/năm, Trung Quốc tăng bình quân 40% năm.
Thách thức từ hội nhập
Cũng giống như các ngành hàng khác, khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ, thuế xuất nhập khẩu bằng 0%, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các mặt hàng mây tre đan buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, phải đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật về chất lượng mà các nước dựng lên.
Chẳng hạn, để tiếp cận thị trường EU, các nhà xuất khẩu mây tre đan của Việt Nam phải xử lý các yêu cầu nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn theo Luật hóa chất REACH. Luật này được áp dụng tại 27 nước thuộc EU, với mục đích là nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người và môi trường bằng cách áp dụng các phương pháp đánh giá độ nguy hoại của các chất sử dụng trong sản phẩm.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp thuộc ngành mây tre đan vẫn phát triển ở quy mô nhỏ. Trên 80% các cơ sở sản xuất không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất. Do vậy, hầu hết đều sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp. Hơn nữa, sản phẩm còn thiếu đa dạng về mẫu mã, hạn chế sức cạnh tranh cả trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng, để có thể phát triển ngành nghề mây tre đan một cách bền vững cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các làng nghề, người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước để đề ra những giải pháp đồng bộ quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng các trung tâm xử lý, bảo quản nguyên liệu và đổi mới mẫu mã sản phẩm.
Đại diện Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) khẳng định: Nếu có chiến lược và cơ cấu sản phẩm hợp lý, chúng ta có khả năng chiếm được 8-10% thị trường thế giới và ngành chế biến mây tre Việt Nam có thể vươn tới 1 tỷ USD trong tương lai. Trong đó, Việt Nam cần hướng vào các sản phẩm tre ép khối thay thế gỗ trong sản xuất đồ nội thất – mặt hàng đang ngày càng được ưa chuộng, vì có độ bền đẹp không thua gỗ, nhưng giá bán lại rẻ hơn rất nhiều. Song trên thị trường toàn cầu, các sản phẩm đồ nội thất chế biến từ tre mới chiếm 3% thị trường đồ nội thất.
Leave a comment